TRƯỜNG MẦM NON BẮC HẢI VỚI CÔNG TÁC PHỐI KẾT HỢP GIỮA GIA ĐÌNH VÀ NHÀ TRƯỜNG TRONG VIỆC GIÁO DỤC LỄ GIÁO CHO TRẺ MẦM NON

TRƯỜNG MẦM NON BẮC HẢI VỚI CÔNG TÁC  PHỐI KẾT HỢP GIỮA GIA ĐÌNH VÀ NHÀ TRƯỜNG  TRONG VIỆC GIÁO DỤC LỄ GIÁO CHO TRẺ MẦM NON

     Giáo dục lễ giáo cho trẻ mầm non là một phần không thể thiếu trong chương trình giáo dục kỹ năng sống ban đầu cho trẻ. Điều này tạo nên nền tảng vững chắc cho các giai đoạn phát triển về sau này của bé. Giáo dục lễ giáo có vai trò rất quan trọng trong việc hình thành và phát triển nhân cách của trẻ, giúp trẻ phát triển toàn diện về mọi mặt. Người xưa có câu “Dạy con từ thuở còn thơ” chúng ta nên dạy trẻ ngay từ khi trẻ còn nhỏ, vì trẻ nhỏ có đặc điểm dễ nhớ, chóng quên và tính hay bắt chước. Chúng ta nên dạy cho trẻ những điều hay, lẽ phải, những câu nói hay, những hành vi đúng.

    Như chúng ta đã biết, trẻ mầm non ban đầu còn chưa hiểu hết việc kính trọng, thưa gửi lễ phép, còn ứng xử theo cách riêng của bản thân mình với người lớn tuổi, với bạn bè và cô giáo.Từ đó ta thấy việc giáo dục lễ giáo cho trẻ là việc làm rất cần thiết và có ý nghĩa. Để giáo dục mang lại hiệu quả cao thì cần phải có sự phối hợp nhịp nhàng giữa gia đình và nhà trường. Mỗi giáo viên, mỗi phụ huynh phải thực hiện việc giáo dục lễ giáo cho trẻ thường xuyên liên tục và xem nó như một phần công việc hàng ngày của mình.

     Vậy giáo dục lễ giáo là gì và được thực hiện ở đâu?

     - Giáo dục lễ giáo là giáo dục cả về phẩm chất đạo đức, tính cách và lối sống của trẻ. Hình thành cho trẻ nhân cách con người mới xã hội chủ nghĩa.

     - Trẻ phải được giáo dục lễ giáo ở mọi lúc mọi nơi và trong các hoạt động hàng ngày của trẻ. Thông qua đó những tính cách của trẻ được bộc lộ rõ, nhiều phẩm chất đạo đức được hình thành và phát triển.

     Chúng ta cần giáo dục những nội dung gì cho trẻ?

      - Giáo dục cho trẻ thói quen chào hỏi.

     Khi gặp người quen, người lớn tuổi, trẻ phải biết chào hỏi. Tất nhiên không tự dưng mà trẻ biết được vì thế cần có sự kết hợp giữa gia đình và nhà trường mà trực tiếp là giáo viên và cha mẹ phải dạy trẻ, sau đó chúng ta nhắc nhở trẻ một cách thường xuyên cho tới khi trẻ hình thành thói quen chào hỏi, lễ phép với mọi người. Để giáo dục trẻ ngay từ những buổi đầu đến lớp giáo viên và phụ huynh nên chủ động chào hỏi và nhắc nhở trẻ chào hỏi lễ phép…nếu thấy trẻ tiến bộ thì cần nêu gương và khen trẻ. Bên cạnh đó chúng ta nên sưu tầm các bài thơ, câu chuyện, bài hát… có nội dung lễ giáo để dạy trẻ.

Trẻ chào cô khi đến lớp


Hoạt động dạy trẻ kĩ năng chào hỏi

      – Giáo dục trẻ biết nói lời cảm ơn và xin lỗi.

      Ở độ tuổi của các bé rất hay bắt chước mọi người xung quanh, nhất là cha mẹ, người thân và cô giáo. Vì vậy cha mẹ và cô giáo hãy cố gắng làm gương sáng cho con. Bé rất tinh ý nhận ra cha mẹ hoặc cô giáo không làm đúng như lời dạy.Ví dụ: Cha mẹ dạy bé hãy xin lỗi khi con va vào người khác, nhưng chính cha mẹ lại không làm điều đó, bé sẽ đặt ra câu hỏi “ Tại sao cha mẹ lại làm như thế” và đương nhiên mặc định cha mẹ làm như thế là đúng và học theo.

      Cho dù những việc rất nhỏ nhặt, cha mẹ và cô giáo cũng hãy nên sử dụng thường xuyên lời “cảm ơn” và “xin lỗi”để trẻ cảm thấy điều đó là đúng và bắt chước theo. Mới đầu chắc chắn trẻ sẽ còn rất ngại ngùng với điều đó, nhưng nếu nói thường xuyên và liên tục sẽ trở thành thói quen tốt. Chúng ta hãy cảm ơn trẻ khi nhờ trẻ giúp việc gì đó, hoặc xin lỗi trẻ khi  lỡ nói sai hoặc làm sai điều gì với trẻ. Nói “Cảm ơn” và “Xin lỗi” với trẻ cũng là một cách tôn trọng trẻ. Trẻ được tôn trọng thì trẻ sẽ tự tin và trưởng thành hơn trong giao tiếp ứng xử.

      – Giáo dục trẻ biết yêu thương và nhường nhịn em nhỏ, kính trọng và lễ phép với người lớn.

     Đối với em nhỏ thì không được tranh giành đồ chơi, không được đánh em. Đối với người lớn tuyệt đối không được nói trống không, khi nói phải có dạ, thưa lễ phép. Khi nhận bất cứ vật gì từ phía người lớn thì phải nhận bằng hai tay. Muốn như vậy thì người lớn chúng ta phải làm gương và phải sửa ngay khi trẻ thực hiện chưa đúng.

     ​Giáo dục trẻ chơi đoàn kết với bạn, yêu thương, giúp đỡ bạn, không được tranh giành đồ dùng đồ chơi của bạn, không được cào cấu hay cắn bạn.

 

                                 Hình ảnh trẻ chơi đoàn kết với các bạn       

  Hình ảnh trẻ biết xin quà bằng 2 tay
    ​ – Giáo dục trẻ yêu thương và kính trọng ba mẹ, không được vòi vĩnh. Muốn như vậy thì chúng ta không nên nuông chiều trẻ, phải tập cho trẻ thói quen khi nào cha mẹ cho mới được nhận. Có nhiều bé được cha mẹ nuông chiều, đòi gì được nấy. Như vậy vô tình chúng ta đã cho bé thấy rằng bé là số một, buộc mọi người phải phục vụ và lớn lên bé sẽ không hiểu giá trị của sức lao động, tiêu xài phóng túng và có khi là hậu quả khôn lường.

     – Giáo dục trẻ những hành vi văn minh: Ho, ngáp biết lấy tay che miệng; không được đi trước mặt người lớn – phải cúi đầu nếu muốn đi qua; không vứt rác bừa bãi; đi vệ sinh đúng nơi qui định.

     ​- Giáo dục trẻ lòng tự hào dân tộc, giáo dục cho trẻ biết về ngày lễ, ngày hội, biết kính trọng và biết ơn những người đã hy sinh cho lợi ích dân tộc, lợi ích trồng người.Từ đó hình thành cho trẻ lòng tự hào, kính yêu đối với người lớn tuổi, thông qua đó khuyến khích trẻ học tập và phấn đấu thành con người có ích sau này.

Chức mừng cô nhân ngày Nhà giáo Việt Nam

     Đối với trẻ mầm non, giáo dục cho trẻ những nội dung cơ bản như vậy là chúng ta đã góp phần hình thành những nhân cách đầu tiên cho trẻ, giúp trẻ phát triển toàn diện tạo nền tảng cho con người văn hóa đạo đức sau này. Các bậc phụ huynh hãy quan tâm và đừng ngần ngại, hãy trao đổi với giáo viên những gì về trẻ một cách thẳng thắn, chân thực để gia đình và nhà trường cùng nhau phối hợp giáo dục trẻ một cách tốt nhất./.